Lan truyền các thông tin không chính thống
Trào lưu anti vaccine (quay lưng với vaccine) vẫn luôn là một hiện tượng đáng báo động trên toàn cầu nói chung, và Việt Nam nói riêng.
Những người ủng hộ việc này thường lan truyền các thông tin không chính thống, phản khoa học trên các trang mạng xã hội gây hoang mang trong cộng đồng.
Hậu quả là khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, gây nguy hiểm cho trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu như phụ nữ mang thai.
Theo TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hầu hết các mẹ đều quan tâm đến việc tiêm phòng cho bản thân trước và trong quá trình mang thai.
Tuy nhiên, vẫn không ít phụ huynh mong muốn "thuận theo tự nhiên" mà từ chối tiêm vaccine cho bản thân và cho con, trong đó đáng chú ý là vaccine phòng bệnh sởi - quai bị - rubella.
"Điều này phần nào đó xuất phát từ những thông tin phản khoa học được lan truyền trước đây về việc tiêm loại vaccine này có thể gây tự kỷ.
Hiện nay, theo thống kê chỉ 80-90% phụ nữ đã tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella trước khi mang thai. Tức là còn 10-20% các bà mẹ né tránh việc tiêm vaccine và điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm", BS Thành phân tích.
Khoảng trống vaccine tạo nhiều hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng
Vấn đề càng nghiêm trọng khi hiện nay nhiều dịch bệnh nguy hiểm quay trở lại do "khoảng trống vaccine", đặc biệt là sởi.
Theo BS Thành, đối với bệnh sởi, tuy không trực tiếp ảnh hưởng đến thai nhi nhưng hệ miễn dịch của phụ nữ mang thai bị suy yếu nên bệnh tình có thể chuyển biến nặng, dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, sốt cao.
Điều này đặc biệt nghiêm trọng, có thể dẫn đến tình trạng thai nhi kém phát triển, thai lưu, dị dạng, sảy thai, sinh non.
Khi mắc bệnh quai bị hay rubella, virus có thể tác động xấu tới buồng trứng, khiến khả năng sinh sản của phụ nữ bị ảnh hưởng. Nếu mắc bệnh quai bị trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi dễ có nguy cơ cao dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng bào thai, sinh non, thai lưu.
Hiện tại, tình hình dịch sởi ở địa bàn TPHCM và các tỉnh miền Nam đang có xu hướng tăng đột biến với hơn 600 ca sởi.
Đây là căn bệnh lây lan rất nhanh với hệ số lên đến 12-18 (tức một cá nhân mắc bệnh sởi có thể truyền virus cho 12-18 người không có miễn dịch ở xung quanh).
Sởi lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người bệnh, khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người bệnh.
Có tới 90% những người gần gũi với người đó không được miễn dịch cũng sẽ bị nhiễm bệnh. Vậy nên, không chỉ đối với trẻ nhỏ, mà virus gây bệnh sởi còn có thể tấn công cơ thể của phụ nữ mang thai.
Tiêm chủng là cần thiết để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé
Trong tình hình dịch sởi diễn biến phức tạp, BS Thành nhấn mạnh, việc tiêm chủng là cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ trong quá trình mang thai và tương lai của đứa trẻ sau này.
"Chúng tôi khuyến cáo nên tiêm vaccine phòng bệnh sởi - quai bị - rubella 1-3 tháng trước khi mang thai để tránh nguy cơ lây nhiễm các virus gây bất thường cho con", BS Thành khuyến cáo.
Bên cạnh đó, chuyên gia này lưu ý, loại vaccine trên không được tiêm trong quá trình mang thai vì các virus có trong vaccine chỉ bị làm yếu đi chứ chưa chết hoàn toàn. Nên đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm như phụ nữ mang thai thì dễ làm virus bùng phát và gây ra các triệu chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Vì thế, đối với các chị em đã mang thai nhưng chưa tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella, các chuyên gia khuyến cáo cần xét nghiệm các loại virus nguy hiểm trong suốt quá trình mang thai để kịp thời điều trị.