Hải Dương là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hiến, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, trong đó có nhiều di sản văn hóa đặc sắc liên quan đến thời Trần.
Nhằm đổi mới hoạt động quảng bá các giá trị di sản văn hóa nổi bật toàn cầu của Khu di tích danh thắng Yên Tử trong quá trình 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới, tôn vinh triều đại nhà Trần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ngày 19/10/2024, tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương”. Nội dung trưng bày gồm 2 chủ đề: "Di sản văn hóa Hải Dương trong bộ hồ sơ Yên Tử trình UNESCO công nhận Di sản thế giới" và "Cổ vật tiêu biểu thời Trần và những phát hiện khảo cổ học thế kỷ XIII - XIV".
Triển lãm giới thiệu 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, cổ vật mang tính khái quát về các di tích lịch sử văn hóa, địa điểm phát hiện và khai quật khảo cổ, các cổ vật, hiện vật tiêu biểu thời Trần trên đất Hải Dương; về những di sản văn hóa tiêu biểu thời Trần đang còn hiện hữu. Đồng thời, khẳng định vị thế quan trọng của vùng đất xứ Đông xưa trong tiến trình lịch sử dân tộc. Triển lãm góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị nổi bật và chứng minh tính xác thực của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, Quần thể di tích Kính Chủ - Nhẫm Dương trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa thời Trần được đề cử Di sản văn hóa thế giới; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Cũng nhân dịp này, Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch tỉnh Hải Dương phối hợp với Hội Cổ vật xứ Đông tổ chức trưng bày chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông” và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Chum gốm hoa nâu thời Trần là Bảo vật quốc gia. Chum gốm hoa nâu thời Trần được phát hiện tại xã Hiệp An, TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương năm 1981. Đây là hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo và là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, quý hiếm; là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ thẩm mỹ của thời đại. Cùng niên đại và phương thức chế tác này, tại Quảng Ninh (cùng với Hải Dương xưa được gọi là lộ Hải Đông) cũng có 2 Bảo vật quốc gia là thống gốm hoa nâu An Sinh và thạp gốm hoa nâu thời Trần.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch tỉnh Hải Dương, cho biết: Có thể khẳng định rằng, truyền thống văn hiến từ ngàn xưa đã trở thành niềm tự hào, là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt, sức bật mạnh mẽ của mảnh đất và con người nơi đây trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Trải qua thời gian, đến nay Hải Dương vẫn bảo tồn, lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc với 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, hơn 800 lễ hội truyền thống, hàng trăm nghề cổ truyền… Đặc biệt, với 129 di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật và 26/50 địa điểm phát hiện, khai quật khảo cổ học liên quan đến thời Trần - Di sản văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương đã trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nên bản sắc văn hóa Xứ Đông xưa. Các giá trị di sản văn hóa này, đã và đang được các thế hệ người Hải Dương trân trọng, gìn giữ, phát huy hiệu quả trong cuộc sống đương đại.
Hệ thống di tích lịch sử văn hóa thời Trần trên đất Hải Dương nói chung và Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Kính Chủ - Nhẫm Dương và chùa Thanh Mai nói riêng là bộ phận cấu thành không thể tách rời của quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trong hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận di sản thế giới. Đây không chỉ là vùng thiên nhiên kỳ thú với hình sông, thế núi hòa quyện mà còn là nơi khởi phát của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử xây dựng đất nước.