Đồng bằng sông Cửu Long: thuận theo tự nhiên để thích ứng

Ở thượng nguồn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vào mùa nước nổi từ cuối tháng 7 đến tháng 11, nước lũ tràn bờ mang theo phù sa về bồi đắp ruộng đồng, tái tạo hệ sinh thái sông và giúp những người nông dân như ông Nguyễn Văn Khen tăng thu nhập nhờ mô hình canh tác nông nghiệp dựa vào lũ.

Tuy nhiên nước lũ có thể trở thành hiểm họa nếu cường độ lớn hoặc xuất hiện bất ngờ không theo dự báo. Những trận lũ lụt nghiêm trọng có thể gây vỡ đê, cuốn trôi mùa màng chỉ trong một đêm.

Tại vùng thượng nguồn như Đồng Tháp Mười, các đợt lũ đang ngày càng trở nên khó đoán hơn, khiến người nông dân buộc phải thay đổi các mô hình sinh kế để thích ứng. Cùng với biến đổi khí hậu, dự kiến tình hình sẽ ngày càng trở nên khó khăn nếu không có các giải pháp kịp thời.

Trong một chuyến công tác đến Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi có dịp đến thăm các hộ nông dân được một dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ giúp ổn định sản xuất trong điều kiện mới. Tại khu vực canh tác, các đê bao lửng được gia cố giúp bảo vệ sản xuất, đồng thời cho phép người dân tận dụng lợi thế nước lũ để nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá tự nhiên.

Trước tình hình đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, việc nhân rộng các chương trình như thế này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ước tính đồng bằng hiện đang bị lún trung bình khoảng 1,1 cm mỗi năm, do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, khai thác cát và suy giảm phù sa. Hiện trạng này có thể đe dọa lớn tới sự sống còn của Đồng bằng sông Cửu Long do mực nước biển dâng cũng ngày một trầm trọng hơn.

Một ước tính trong Báo cáo Khí hậu và Phát triển Quốc gia của Việt Nam của Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo gần một nửa diện tích của đồng bằng có thể bị nhấn chìm nếu mực nước biển dâng 75-100 cm so với mức của những năm 1980-1999.

Thứ hai, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những thay đổi thời tiết khắc nghiệt.

Tại các vùng ven biển, nước biển đã tiến sâu vào đất liền, thông qua hệ thống kênh rạch nội đồng chằng chịt. Trong quá khứ, khi dòng sông Mekong chảy xuống hạ lưu còn mạnh mẽ, nước sông có thể đẩy nước mặn ngược trở lại biển. Gần đây, dòng chảy trong mùa khô giảm xuống đẩy nhanh quá trình xâm nhập mặn, một xu hướng ngày càng rõ rệt trong các đợt hạn hán mà điển hình là đợt hạn lịch sử năm 2020.

Hình thái thời tiết hai mùa mùa mưa và mùa khô không còn rõ ràng nữa. Hạn hán và lũ lụt cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, với cường độ lớn hơn. Với tình trạng này, người nông dân phải gánh chịu phần lớn tổn thất. Một ví dụ điển hình là 1 vài ngày nước mặn xâm nhập vào vườn cây ăn trái giá trị cao có thể phá hủy hoàn toàn vườn cây mà người nông dân phải đầu tư trong nhiều năm và đẩy họ vào cảnh phá sản.

Một khó khăn nữa là tình trạng môi trường suy thoái do nhiều năm nông dân tại đây có những thực hành canh tác sử dụng tài nguyên đất và nước không bền vững.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã thông qua một nghị quyết quan trọng, thể hiện tư duy mới - “thuận thiên”. Nhờ đó, quỹ đạo phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự chuyển hướng rõ rệt. Có thể cắt nghĩa chủ trương “thuận thiên” thế nào?

Ở thượng nguồn của đồng bằng, nhiều năm gần đây người dân địa phương đã đắp đê ngăn lũ để người dân chuyên canh lúa quanh năm. Nhưng mô hình này không còn mang lại giá trị kinh tế cao cũng như bền vững về mặt sinh thái.

Dự án của chúng tôi đã cho thấy, trên thực tế người nông dân có thể tận dùng nguồn nước lũ thượng nguồn, thay vì ngăn lũ. Khi mùa nước nổi về, người nông dân để nước lũ tràn đồng, tạo thành môi trường hoàn hảo để nuôi trồng thủy sản. Hình thức canh tác này đã được chứng minh là mang lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa vụ ba. Khi nước rút vào mùa khô, phân thuỷ sản và phù sa góp phần bồi đắp cho đất đai, giúp đất trở nên màu mỡ cho vụ sau.

Ông Nguyễn Văn Khen tự hào khoe con tôm càng xanh. Nhờ chuyển sang nuôi tôm trong mùa nước nổi thay cho lúa vụ ba, thu nhập của ông đã tăng gấp 3 lần.

Ở bán đảo Cà Mau, “thuận thiên” cũng có nghĩa là đưa rừng ngập mặn vào thành một phần của giải pháp bảo vệ bờ biển. Trước đây, chúng ta chỉ làm đê biển hoặc kè chắn sóng để chống xói lở bờ biển. Khác với những giải pháp công trình, rừng ngập mặn có tính thích ứng cao hơn với những diễn biến địa chất phức tạp của bờ biển.

Việc người dân địa phương nhận ra những lợi ích của rừng ngập mặn cũng góp phần làm chậm quá trình phá rừng ồ ạt để nuôi tôm. Thay vì phá rừng, người nông dân đã biết tận dụng nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đạt được chứng nhận sinh thái và được thị trường quốc tế ưa chuộng.

Tại nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đã thấy nhiều ví dụ người nông dân đang thích ứng với biến đổi khí hậu bằng những cách làm đúng đắn. Chúng tôi vô cùng vui mừng được biết dự án tiên phong của Ngân hàng Thế giúp đã góp phần giúp nông dân chuyển đổi sang mô hình sinh kế bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long: thuận theo tự nhiên để thích ứng

Cán bộ trạm quan trắc nước mặt ở tỉnh Trà Vinh giới thiệu với đoàn công tác Ngân hàng Thế giới về cách sử dụng dữ liệu để theo dõi tình hình trên sông Mê Kông.

Rõ ràng là việc nhân rộng các giải pháp bảo vệ cộng đồng khỏi những mối đe dọa về môi trường và giúp họ phát triển kinh tế không tránh khỏi khó khăn, thách thức. Do các vấn đề này không chỉ dừng trong địa giới hành chính nên các chính sách và hành động cũng phải mang tính liên tỉnh và đa ngành.

Vào tháng 2 năm nay, Chính phủ đã phê duyệt đã bản quy hoạch vùng tích hợp dài hạn cho Đồng bằng sông Cửu Long để giải quyết những thách thức phát triển ngày càng phức tạp hơn. Quy hoạch này nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận theo vùng và sự cần thiết phải hợp tác - thay vì cạnh tranh - giữa các địa phương và các Bộ, ngành để giải quyết vấn đề trong bối cảnh nguồn lực còn khan hiếm. Quan điểm này được chúng tôi nhắc lại trong cuộc trao đổi với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và lãnh đạo các tỉnh, thành tại thành phố Cần Thơ, trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng tôi hy vọng các hành động và đầu tư sắp tới sẽ tương xứng với quy hoạch vùng về phạm vi và quy mô. Nhận thức rõ ràng hơn về định hướng phát triển của vùng đồng bằng trong tương lai sẽ giúp các bên liên quan khác, những người cũng quan tâm đến tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long như chúng tôi, đưa ra những chương trình, sáng kiến mang lại nhiều tác động tích cực hơn nữa.

Đồng bằng sông Cửu Long: thuận theo tự nhiên để thích ứng

Trong cuộc đối thoại gần đây với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo các địa phương tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Thế giới hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch tích hợp cho ĐBSCL và nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các hành động và đầu tư phù hợp với phạm vi và quy mô của quy hoạch.

Mặc dù nhiều nông dân địa phương có thể vẫn đang phải gánh chịu nhiều khó khăn, những người mà chúng tôi trò chuyện đều tràn đầy hy vọng. Họ là những ví dụ tiêu biểu về khả năng thích ứng khi đối mặt với nghịch cảnh. Chúng tôi tin vào một tương lai tốt đẹp cho họ và Đồng bằng sông Cửu Long. Và chúng tôi đang nỗ lực hết mình, cùng với Chính phủ Việt Nam, biến những lời hứa thành hành động vì lợi ích của gần 20 triệu người dân sống ở đồng bằng này.

Link nội dung: https://duhocminhanh.com/dong-bang-song-cuu-long-thuan-theo-tu-nhien-de-thich-ung-a13877.html