Học sinh chọn hướng du học, không đặt nặng kết quả thi tốt nghiệp THPT

Học sinh chọn hướng du học, không đặt nặng kết quả thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra từ 26 - 29.6. Ảnh: Yến Phương

Tâm lý ôn thi thoải mái

Chia sẻ với Báo Lao Động, Mỹ Linh - học sinh lớp 12, Trường THPT Thạnh Đông, tỉnh Kiên Giang - cho biết, dự định sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Linh sẽ lên đường đi du học tại Hàn Quốc. Hiện tại, Linh chỉ đợi thi lấy bằng tốt nghiệp xong rồi tập trung học tiếng để phục vụ nhu cầu du học của mình.

“Em không quá lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp, vì cơ bản Toán và Tiếng Anh em đều làm được, chỉ cần ôn thêm môn Ngữ Văn thôi. Hơn nữa, do không có ý định học đại học nên em không cần lấy điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển, vậy nên tâm lý của em khá thoải mái, không đặt nặng kết quả thi mà chỉ cần đủ điểm đậu là được”, Mỹ Linh nói.

Học sinh chọn hướng du học, không đặt nặng kết quả thi tốt nghiệp THPT

Chia sẻ về hướng đi của mình, Mỹ Linh cho hay, bản thân em rất thích Hàn Quốc, đồng thời tháng 6 này anh trai của Linh bắt đầu đi du học tại Hàn Quốc, và nhiều bạn bè của Linh cũng đang lần lượt chuẩn bị đi du học ở nhiều quốc gia khác nhau. Vì lẽ đó, Linh cho rằng khi đi du học, em sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân, có thể vừa học vừa làm và dễ kiếm tiền hơn.

Mặt khác, nếu ở Việt Nam thi đại học thì hiện Mỹ Linh chưa biết mình thực sự giỏi lĩnh vực nào nên rất khó lựa chọn ngành nghề cho tương lai. Do đó, Linh quyết định đi du học để trải nghiệm, tìm hướng đi mới cho chính mình, nếu có thể em sẽ thử sức với ngành học Marketing tại Hàn Quốc.

“Thời điểm này, bạn bè em đang tích cực tham gia nhiều lớp học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, bản thân em biết với con đường du học thì điều quan trọng nhất là phải thông thạo tiếng, vì thế bây giờ em đang nỗ lực ôn học tiếng cho thật giỏi”, Mỹ Linh tâm sự.

Chủ động chuyển hướng, chọn lối đi phù hợp

Theo chia sẻ của nhiều học sinh lớp 12 , với những trường hợp dự định đi du học, các em đã đưa ra quyết định từ sớm, mỗi em đều có sự lựa chọn ngành nghề, trường học , quốc gia riêng cho mình. Song, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đức,… được các em ưu tiên lựa chọn du học trong đợt này.

Bảo Tiên - học sinh lớp 12, tỉnh Kiên Giang - cho hay, để chuẩn bị cho công tác du học, từ dịp hè (trước khi bước vào năm học lớp 12), em đã tham học tiếng Đức tại TP Rạch Giá. Đến khi bước vào năm học, em vẫn kết hợp học chính trên trường và cuối tuần di chuyển ra TP Rạch Giá để học tiếng.

“Em dự định sẽ du học ở Đức. Mặc dù thời gian qua, em đã dành thời gian ôn luyện tiếng, nhưng sau khi thi tốt nghiệp xong em sẽ tiếp tục di chuyển lên TP Hồ Chí Minh học thêm tiếng Đức khoảng 6 tháng, sau đó thi xong có kết quả đậu rồi mới đi du học”, Bảo Tiên nói.

Ghi nhận thực tế hiện nay, các thí sinh có nhiều lựa chọn hơn cho nghề nghiệp trong tương lai của mình. Nhiều em không theo học đại học mà hướng đến những con đường khác như chọn học nghề, học cao đẳng, xuất khẩu lao động, du học…

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ riêng đợt đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 (năm 2023), có khoảng hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Con số này chiếm gần một phần ba tổng số thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy, ngày nay các thí sinh đã chủ động chuyển hướng, chọn lối đi phù hợp cho riêng mình.

Link nội dung: https://duhocminhanh.com/hoc-sinh-chon-huong-du-hoc-khong-dat-nang-ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-a14744.html