Từ biên cương đến các nóc cao, từ ngôi làng ven biển đến những nơi chăm sóc cho trẻ khuyết tật, hay từ trong các góc phố nhỏ, mùa trăng rằm tháng Tám luôn mang đến những cảm xúc đặc biệt. Đó là những câu chuyện và mơ ước đêm trung thu của trẻ em, là cái rón rén quay về tuổi thơ của người lớn, là những hạt mầm tử tế được vun bồi để điều lấp lánh trở nên có thật...
Háo hức chờ đợi rồi vỡ òa trong tiếng reo vui, hàng trăm đứa trẻ bu kín những “ông lân” đặc biệt. “Biên cương đêm hội trăng rằm”, rồi “Trung thu có trường đẹp quà xinh”, hay chỉ kịp mang những phần quà trung thu, đèn ông sao và không quên mang cả tiết mục múa lân... Những hoạt động vừa trọn để mang “ông trăng” xuống chơi với trẻ con miền núi.
Trăng trên nóc nhỏ
Điểm trường Măng Ây (thôn 1, xã Trà Don, Nam Trà My) là một trong những điểm trường thôn khó khăn, thuộc Trường Mẫu giáo Sơn Ca. Nằm heo hút trên triền đồi, phảng phất mùi lúa non đang trổ đòng, tuy có vẻ biệt lập, nhưng đây lại là nơi học tập của 32 em nhỏ làng Măng Ây và Tăk Lang.
Cô giáo Hoàng Thị Nga, đứng điểm trường Măng Ây chia sẻ, trước đây điểm trường vốn nằm giữa hai ngôi làng, nhưng vì nguy cơ sạt lở nên dân làng Tăk Lang dời nhà đến nơi ở mới, để lại điểm trường vắng lặng mỗi đêm trăng. “Hầu hết 32 trẻ đang theo học đều có hoàn cảnh như nhau, bởi ba mẹ các em không biết chữ, quanh năm bám rẫy, bám nương. Tuy nhiều khó khăn nhưng các em học hành rất chăm, không có em nào bỏ học” - cô Nga chia sẻ.
Cũng vì cách xa trung tâm, nên học sinh ở Măng Ây ít có dịp tiếp xúc với người ngoài, kể cả các dịp Trung thu, hay quốc tế thiếu nhi. Phần quà hằng năm các em được nhận, là những chiếc áo, vài cuốn vở được chia từ điểm trường chính, mà không biết mặt người tặng. Những phần quà ấy là niềm an ủi đối với các em nhỏ nơi đây.
Cô Nga chỉ bé Hồ Tâm Như đang say giấc trên phản, nói rằng, đồ em mặc là từ những phần quà ấy; mồ côi mẹ, Như phải tự giặt đồ để mặc cho hôm sau. Trung thu là gì, các em chỉ được nghe qua lời cô kể, chưa được rước đèn, cũng không biết ông lân.
Nhưng mùa trăng năm nay, ở nóc Măng Ây, những đứa trẻ đã biết ông lân và đèn lồng ông sao là gì. Mang Trung thu đến cho các em là chương trình do những người trẻ ở Chi đoàn khối các cơ quan huyện Nam Trà My thực hiện.
Anh Đinh Văn Thọ - Bí thư Chi đoàn khối cho biết, họ đã tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn, những điểm trường xa xôi, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em nơi đó để có những món quà thiết thực.
Buổi học chiều hôm ấy, mọi ánh mắt trẻ thơ đều đổ dồn ra cửa sổ, nơi các anh chị đoàn viên, thanh niên đang thực hiện trang trí, gói quà.
Trống lân vang dồn dập, thay cho trống trường tan học mọi ngày. Hơn 100 em học sinh từ ba điểm trường, hai cấp học ở thôn 1 tề tựu về xem hội trăng rằm. Ước mơ dưới trăng rằm cũng lần đầu tiên được nhen nhóm trong những đôi mắt thơ ngây.
Những đôi mắt tròn xoe, những cái miệng chúm chím, các em nhỏ nhà ở tận trong bản, trong làng heo hút nhưng từ chiều, đã vượt đường xa để vui trung thu sớm.
Trung thu biên cương
Từ nhiều ngày trước, những đứa trẻ ở thôn A Bát (xã Chà Vàl, huyện Nam Giang) đã thích thú đùa vui theo nhịp trống lân, từ chương trình “Lồng đèn thắp sáng ước mơ - Trung thu có trường đẹp, quà xinh” do Tỉnh đoàn Quảng Nam phối hợp cùng một số đơn vị đồng hành tổ chức.
Đôi mắt xoe tròn hạnh phúc của cậu bé ở Trường PTDT Bán trú và Tiểu học Chà Vàl khi đón nhận một chiếc cặp mới có in hình siêu nhân. Cái miệng chữ O tròn xoe của cô bé mầm non khi nhìn thấy trường mình hôm nay rất khác. Em đi chân đất để bước vào sàn nhà lót gạch.
Chị Đặng Thị Bảo Trinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn nói, điểm trường thôn A Bát là 1 trong 6 điểm trường nằm ở những nóc xa xôi của xã Chà Vàl. Một ngôi trường khang trang cho gần 100 em của thôn theo học, được vận động xây dựng từ những nhóm thiện nguyện hay lui tới vùng cao, vừa kịp đưa vào sử dụng ngay trước khai giảng.
Trường có mái ngói đỏ xinh, tường gạch và nước uống nóng lạnh cho học sinh. Các em tay vân vê theo từng lam cửa, tỏ vẻ thích thú. Bây giờ, những ngày mưa đã không còn sợ dột ướt như trường cũ nữa. Đây cũng có lẽ là mùa trung thu đặc biệt nhất của trẻ em A Bát, vì ngoài trường đẹp, các em được xem biểu diễn múa lân, được tặng bánh kẹo, cặp sách mới...
Càng gần ngày trăng rằm tháng Tám, càng thấy nhiều hơn những chuyến đi về phía núi, với hành trang là rất nhiều bánh kẹo, đèn lồng và trống, lân. Con nít mà, đứa trẻ nào lại không thích quà. Đó là khởi nguồn để có những chuyến đi ngay mùa Trung thu.
Những vùng núi cao, mùa Trung thu năm nào hình như cũng có sự xuất hiện của những đoàn lân đặc biệt. Họ là những bạn trẻ tập hợp thành các nhóm để “mang Trung thu lên núi”, là các chú bộ đội biên phòng với chương trình “biên cương đêm hội trăng rằm”.
Trung tá Nguyễn Phúc Trường - Chính trị viên Đồn Biên phòng Ga Ry (huyện Tây Giang), chia sẻ, năm nay, ở vùng biên cương, các cán bộ chiến sĩ bộ đội mang quân hàm xanh chuẩn bị “mâm cỗ” đặc biệt, có đèn ông sao, những món quà thiết thực cho các con nhân dịp năm học mới. “Chúng tôi tận dụng sách báo cũ, hộp các-tông, tre nứa để làm đầu lân, trang trí sao thật bắt mắt nhất. Từ ông địa đến đoàn múa lân đều là các chú bộ đội của Đồn Biên phòng Ga Ry”.
Các bạn nhỏ tại các điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ga Ry và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Ch’ơm vui vẻ, hào hứng lẫn thích thú khi được xem những điệu múa lân sư rồng đặc biệt. Các em được tặng những phần quà bánh mà thường ngày rất khó để có.
Quảng Nam có 14 xã biên giới ở hai huyện Tây Giang và Nam Giang. Điều đặc biệt, năm nào các chiến sĩ ở những đồn biên giới đều nỗ lực để tổ chức chương trình “Biên cương đêm hội trăng rằm” cho trẻ em nơi đây với sự trợ lực từ các nhà hảo tâm lẫn trích tiền túi của chính cán bộ, chiến sĩ góp vào.
Náo nức, rộn ràng bừng lên trong ánh mắt không chỉ của trẻ em mà gần như của tất cả bà con vùng biên. Có đến 90% là đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Giẻ Triêng sống dọc các miền biên viễn xứ Quảng, đời sống còn muôn vàn khó khăn. Những phần quà nhỏ hay các hoạt động tạo niềm vui thích cho trẻ, ngay trong những ngày đầu năm học mới, sẽ góp thêm phần nào giữ lấy ngọn lửa trong hành trình tìm kiếm cái chữ của trẻ em miền núi.
Nhìn thấy trẻ con xúm xít khui quà trung thu, những tràng cười nắc nẻ trước điệu múa của ông lân, như nhìn thấy được những đóa sao trời đang nở lấp lánh, để chờ đêm trăng tròn...
Một cuộc rước cảm xúc trong trẻo bất tận, đi mãi đi mãi trên triền đê với ông sao năm cánh trên tay. Trung thu, có lẽ là vậy!
Ông sao chấp chới đường quê
Con trai của tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, năm nay 16 tuổi. Thằng bé thờ ơ với Tết Trung thu, chẳng có ký ức hay ý niệm gì về ngày rằm tháng Tám này.
Thằng bé như đa số đứa trẻ khác ở thành phố lớn. Bản thân chúng chẳng cần trung thu, nhưng, vì chúng không được hưởng những cảm xúc tuyệt vời của cái tết này nên không biết nó ngọt ngào như thế nào. Chúng thiệt thòi mà không hay.
Thời chúng tôi còn bé, trước trung thu tầm 3 tháng, chúng tôi đã đếm ngược từng ngày, háo hức đón trung thu. Bạn hãy tưởng tượng, một đứa trẻ vác dao đi đốn một cây tre, về hí hoáy chẻ tre, vuốt nan, tạo thành một ông sao năm cánh. Xin lưu ý, phải gọi là “ông sao” nó mới sướng, gọi là ngôi sao sẽ “bị xoàng” nhé.
Sườn ông sao đã thành hình, tôi sẽ nắn nót dán từng mảnh tam giác giấy kính lên. Rồi thể hiện hết bay bổng của mình lên ông sao bằng cách dán mỗi cánh sao một màu giấy kính khác nhau. Đỏ, vàng, xanh, trắng, tím. Sau đó, tôi vặn đoạn dây kẽm thành chiếc lò xo, gắn vào giữa khung ông sao. Ngọn nến nhỏ sẽ đặt vào chiếc lò xo ấy.Một đứa trẻ 5 tuổi có thể hoàn thành chiếc ông sao đa sắc, nến được thắp lên, trông lung linh ảo diệu. Đứa trẻ tự cảm thấy mình vừa hoàn thành công trình vĩ đại.
Đúng rằm tháng Tám, tôi lâng lâng, trịnh trọng xách đèn ông sao ra đường, hòa cùng với những ông sao khác của bọn trẻ trong xóm, nhập thành một đoàn, rước đèn đi chơi.
Những ông sao chấp chới trên đường quê, những đôi chân trần bé xíu đạp trên triền đê nhão nhoét. Trên cao, chị Hằng, chú Cuội và cây đa hiện ra thật rõ. Bọn trẻ đi đến đâu, chị Hằng và chú Cuội theo đến đó. Một cuộc rước cảm xúc trong tâm hồn trong trẻo bất tận.
Trung thu giá trị nhất đối với một đứa trẻ như bọn tôi lúc đó, là cảm giác được kết nối với bầu trời trong đêm trăng. Bọn tôi thấy rằm tháng Tám thì chị Hằng mới rõ, chú Cuội mới xuất hiện và cây đa cũng rõ nét hơn.
Bọn tôi đi một quãng dài, sẽ ngồi trên chỏm đê cao, gác đèn ông sao trên gối và ngước lên bầu trời trăng sáng vành vạnh với mộng mơ thật đẹp. Có lẽ, ký ức về trung thu giúp mỗi đứa biết mộng mơ hơn và có niềm tin siêu nhiên. Điều này làm phong phú tâm hồn cho đứa trẻ. Và tôi cũng tin rằng, một người có nhiều mộng mơ thì cuộc đời của họ có giá trị hơn, đẹp hơn.
Tặng cho nhau một ký ức đẹp
Tôi từng có chuyến đi Cam Ranh (Khánh Hòa) tổ chức trung thu và trao quà cho hơn 500 đứa trẻ Raglai. Những đứa trẻ này sống trên vùng núi, gia đình chúng rất nghèo. Ở đây, rất nhiều người mẹ chưa quá 22 tuổi đã có 4-5 đứa con. Vì vậy, cuộc sống của họ quá khó khăn.
Những đứa trẻ ở đây chưa bao giờ được dự phần vào một cuộc trung thu nào cả, chúng chỉ thấy trung thu trên ti vi. Múa lân, phá cỗ, rước đèn, chúng đều chỉ thấy trên ti vi chứ ngoài đời - nơi chúng ở, không có.
Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng tặng cho chúng một trung thu đáng nhớ với đại tiệc cảm xúc.
Những bàn tay đen đúa được cầm con dao, cẩn trọng cắt một nhát xuống chiếc bánh trung thu đẹp không tưởng mà lần đầu chúng thấy. Chúng được tự tay phá cỗ. Đèn ông sao lấp lánh được chúng sở hữu trên tay. Chúng tròn xoe mắt nhìn từng chuyển động ảo diệu của lân sư rồng cuộn ngay trước mặt.
Tổ chức xong, chúng tôi mướt mồ hôi vì ai cũng đuối khi hoạt động với cường độ cao trong 4 giờ đồng hồ. Nhưng chúng tôi nói với nhau rằng, rất xứng đáng, bởi bọn trẻ được chơi Trung thu lần này, sẽ nhớ suốt cuộc đời.
Mà cuộc đời này, còn gì ý nghĩa bằng việc tặng cho nhau một ký ức đẹp?
Tôi hiểu, mỗi thời mỗi khác. Thời bọn tôi, may mắn vì được hưởng những cái Tết Trung thu trong trẻo và đầy mộng mơ. Thời nay, con tôi ở thành phố tất nhiên chẳng được như vậy. Còn những đứa trẻ nghèo ở vùng sâu vùng xa thì thỉnh thoảng được đoàn từ xa về, tổ chức trung thu, cũng thích nhưng không thể nào đạt tới “cảnh giới mộng mơ” mà trẻ em cách đây vài ba chục năm có được.
Dù ở trái đất, cuộc sống có thay đổi thế nào, thì chị Hằng, chú Cuội, cây đa vẫn thế. Nếu một đứa trẻ thời nay biết nhìn lên trời ngắm trăng rằm tháng Tám, sẽ vẫn cảm thấy đêm trăng trung thu thật ảo diệu, rồi tâm hồn đứa trẻ đó sẽ đẹp đẽ hơn nhờ những mộng mơ trong trẻo. Tôi tin như vậy!
Phố vào mùa xôn xao tiếng trống múa lân. Trăng cũng đã dần tròn. Ngang phố, vẳng nghe tiếng trẻ con cười khúc khích và mùi bánh trung thu thơm lừng bay ra từ những tiệm bánh.
Chạy xe chầm chậm qua phố mùa thu, tự nhiên lòng muốn thả trôi về quá khứ...
Trung thu ngày bé. Ở quê không có đèn điện sáng như bây giờ. Không thơm và cũng không ồn ào như bây giờ. Nhưng niềm vui của trẻ con thì bao giờ cũng tròn vành vạnh như trăng rằm.
Trung thu ngày bé, từ giữa tháng Bảy, lũ trẻ trong xóm đã nôn nao. Các anh lớn ra đồng kiếm đất sét để nặn lân. Rồi oẳn tù tì xem đứa nào sẽ hy sinh bản thân ăn đòn để về nhà lấy cái mền làm đuôi lân, để ba mẹ vác roi chạy quanh xóm.
Đứa thì đi chặt tre. Bụi tre nhà bà Phát có mấy con ngỗng dữ lắm, vừa chặt vừa chạy, để làm đuốc soi trong đêm múa lân. Rồi cả tháng phải đóng vai con ngoan, không được dang nắng, không lêu lổng đi chơi, để ba mẹ thương mua cho mặt nạ.
Con gái mê mặt nạ thủy thủ mặt trăng, con trai thì mấy cũng phải là mặt nạ Tề Thiên, cầm cây thước bảng xoay xoay đi theo đoàn lân, rồi xếp hàng chọn đứa béo nhất làm ông địa, lấy quần áo của bà nhét vào cái bụng tròn.
Công tác chuẩn bị xong thì cứ ngày nào cũng ngước nhìn trăng, trăng dần tròn thì cũng là lúc đoàn lân nheo nhóc đi diễn quanh xóm. Mà nào có bao nhiêu, toàn nhà của cô, chú, cậu, dì, mỗi người treo 500 đồng lên rồi đoàn lân nhảy lên lấy, vậy mà cảm giác cứ như bắt được kho báu.
Lớn lên mới thấy, sao những điều nho nhỏ đơn sơ vậy mà đám trẻ con có thể cười kéo dài suốt đêm?
Rồi thì làm lồng đèn. Bây giờ có vô số đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Lồng đèn ngày bé cũng muôn hình vạn trạng, gần như lồng đèn chỉ đơn giản nằm trong định nghĩa: cầm đi được và phát sáng thì sẽ được gọi là lồng đèn.
Cái xóm nghèo ngày xưa, ba mẹ giật gấu vá vai chạy cơm từng bữa, chuyện bỏ ra vài nghìn để mua một cái lồng đèn bỗng trở thành giấc mơ xa xỉ. Nhưng trẻ con không bao giờ biết buồn, lồng đèn lon, lồng đèn vỏ Coca, lồng đèn giấy vở tô màu đỏ, hay chỉ đơn giản là một cây tre cắm ngọn nến là đủ đi rước đèn cùng chúng bạn, đủ cho những tràng cười giòn tan suốt đêm rằm.
Rồi những đứa trẻ xóm nghèo dần lớn lên. Tôi vào đại học.
Năm đầu tiên của thời sinh viên, đêm trung thu có ba đứa sinh viên năm nhất ngồi ôm nhau khóc vì nhớ nhà, nhắc lại đêm này ở nhà thế nào cũng được ba mẹ mua bánh cho ăn. Đứa thì nhớ đứa em nhỏ năm nay không có chị dẫn đi mua đèn ông sao, vừa kể vừa sụt sùi.
Chị cùng phòng đi chơi về, tròn mắt hỏi tụi em sao thế, trung thu không đi ra phố ngắm đèn mà ủ ê thế kia, rồi đưa cho 1 cái bánh trung thu còn 3/4 góc, bảo ăn đi cho đỡ nhớ nhà.
Vậy là ba đứa lập cập dậy nấu nước ấm, chia nhau miếng bánh trung thu. Đó có lẽ là cái bánh trung thu ngon nhất từ trước giờ tôi được ăn. Nó có vị béo của thịt mỡ, vị ngọt của vỏ bánh, vị ngậy của trứng muối, vị của nỗi nhớ ba mẹ và chút tủi thân của đứa sinh viên lần đầu xa nhà. Thêm cả vị yêu thương của người chị sắp ra trường và vị đồng cảm thấu hiểu của những người bạn học cùng cảnh ngộ.Rất lâu sau này, cứ mỗi mùa trung thu, tôi đều dành thời gian để có thể ăn một miếng bánh trung thu, như là một chấp niệm - để nhớ nhung và hoài niệm.
Rồi lại có một mùa trăng, tôi ngồi trong khách sạn cách ly ở Sài Gòn trong đêm ra ca lúc đi chống dịch COVID-19, pha một ấm trà, cắn một miếng bánh, nhìn thành phố giăng dây. Phía dưới vắng tiếng còi xe hằng ngày, lúc ấy, chỉ cầu mong dịch bệnh mau lùi xa, để bóng trăng mãi trắng ngà, để thằng Cuội già có thể ôm một mối mơ trong giấc yên bình.
Mười năm trôi qua. Hai mươi năm trôi qua. Mỗi mùa trăng đi qua, xóm nhỏ đã khác. Những chiếc bánh trung thu ngày xưa cũng đã khác, được đóng hộp đẹp đẽ đi kèm với vô số vị khác nhau. Ánh đèn của phố cũng khác.
Mọi thứ thay đổi, nhưng trăng đêm trung thu vẫn tròn vành vạnh, và bánh trung thu dù vị gì vẫn ngọt ngào như niềm hạnh phúc đoàn viên. Hơn cả, niềm vui và nỗi mong mỏi của mỗi đứa trẻ con, khi tháng tám về, vẫn trong veo như tiếng cười ngày bé.
Vì vậy, cứ để ngày trung thu là ngày đoàn viên của gia đình, để trẻ con được là trẻ con, và người lớn được hoài niệm lại thời còn trẻ con. Hạnh phúc, đôi khi chỉ đơn sơ và ngọt ngào vậy!
Tết Trung thu, với phần lớn trẻ em là dịp háo hức được cầm đèn lồng, phá cỗ, là khoảnh khắc ngập tràn niềm vui và tiếng cười dưới ánh trăng rực rỡ. Nhưng với những em nhỏ không may mắn, trung thu về có những cảm xúc đặc biệt hơn...
Tại các mái ấm và trung tâm dành cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, Trung thu nào cũng rộn ràng. Các em, dù khiếm khuyết về thể chất hay trí tuệ, vẫn cảm nhận được sự ấm áp của tình người qua từng ánh mắt, nụ cười và vòng tay yêu thương.
Cậu bé Lê Thanh Nam (13 tuổi), đã gắn bó với Trung tâm Hỗ trợ và giáo dục hòa nhập đối với trẻ em khiếm thính Quảng Nam (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) được 8 năm. Dù khiếm thính, việc nghe và phát âm với em rất khó khăn, nhưng niềm vui hiện rõ trong ánh mắt em. “E…m… r…ất… v…ui…,” Nam cố gắng phát âm với giọng điệu tràn đầy niềm vui khi nhận được quà.
Với những đứa trẻ khiếm thính, âm thanh là điều mơ ước. Tết Trung thu đối với các em là những chương trình múa lân đầy màu sắc, là những chiếc đèn ông sao lung linh dù không nghe được tiếng trống thùng thình.
Hiểu được điều đó, các cô giáo tại Trung tâm tổ chức một buổi lễ ấm áp, giúp các em cảm nhận và hòa nhập với không khí rộn ràng xung quanh. Năm nay, Trung thu càng ý nghĩa hơn khi ngoài tình yêu thương của gia đình và các cô giáo, các em còn nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo tỉnh và những nhà hảo tâm.
Lưu Nguyễn Khánh Uyên - cô bé khiếm thị đã gắn bó với Trung tâm Hướng Dương Việt Quảng Nam (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) suốt 9 năm qua, chia sẻ: “Chúng con không được lành lặn như bạn bè cùng trang lứa nhưng niềm háo hức về Tết Trung thu thì cũng như các bạn khác. Con mong được nhìn thấy múa lân, được vui vẻ cùng các bạn, ngắm trăng, phá cổ, nhận quà nhưng đó chỉ là niềm mong ước, vì con bị khiếm thị. Dù không nhìn thấy, nhưng con cảm nhận được không khí rất ấm áp, vui vẻ, tiếng lân rộn rã khi trung thu về”.Tại Trung tâm Hướng Dương Việt, có 45 trẻ dưới 16 tuổi và 10 em trên 16 tuổi. Dù tuổi lớn, các em vẫn háo hức như những đứa trẻ, mong chờ giây phút đón Tết Trung thu, nhận quà và ước mơ về những điều tốt đẹp.
Con mong ba con đi biển an toànGiấc mơ của trẻ thơ vùng biển trong đêm trăng rằm, như có phần đặc biệt hơn. Em Trần Ngọc Khánh Quỳnh, học lớp 5 Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng (Điện Dương - Điện Bàn) hào hứng nói: “Con mong Trung thu năm nay, ba con đi biển trúng cá, mẹ con ra chợ bán được giá con sẽ có được chiếc lồng đèn thắp sáng bằng pin, có cài nhạc nghe vui tai và còn nhiều món khác nữa”. Cậu em trai học lớp 3 cười tít mắt chỉ ước được ba mẹ mua cho cái đầu lân có đuôi, một bộ quần áo lân rồi rủ thêm bạn cuối xóm làm ông địa nữa thì thích hơn. (THANH THỦY)
Còn tại Làng Hòa Bình (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh), không khí Trung thu cũng rộn ràng, ấm áp. Những nụ cười rạng rỡ, ánh mắt trong veo của các em khi nhận quà khiến không khí càng thêm vui tươi. Hồ Thị Như Quỳnh (13 tuổi) xúc động khi nhận được sự động viên và tặng quà từ các cô chú lãnh đạo.
“Năm nào trung thu ở đây cũng vui, dù không được ra đường để xem lân nhưng các cô, chú mang lân, mang trung thu đến với chúng con. Con mong rằng Tết Trung thu, tất cả trẻ em, dù hoàn cảnh nào cũng sẽ được nhận quà, chúng con sẽ luôn được yêu thương, chăm sóc, có một tương lai tốt đẹp” - Như Quỳnh nói.
Với những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, có thể các em không được chạy nhảy, cầm đèn lồng hay cùng reo hò cổ vũ theo nhịp trống lân. Nhưng từ tình yêu thương của các “mẹ”, thầy cô và những tấm lòng nhân ái, các em vẫn được đón Tết Trung thu trọn vẹn.
Trong khoảnh khắc ấy, những thiệt thòi của bản thân hình như cũng lắng ở đâu đó. Chỉ còn nụ cười và những giấc mơ tỏa theo đêm rằm...
Nội dung: THIỆN TÙNG - MINH KHÔI - QUẾ HÀ - HÀ DŨNG - TRẦM NGƯ - MỸ LINH
Trình bày: MINH TẠO
Link nội dung: https://duhocminhanh.com/em-di-xem-hoi-trang-tron-a15031.html