Càng gần Tết, nhu cầm mua sắm, giải trí, vui chơi của người dân càng cao nên rất dễ có nguy cơ gặp phải những tờ tiền giả, đặc biệt là những loại có mệnh giá lớn như 50.000, 200.000 và 500.000.
Những tờ tiền giả này đều được làm rất tinh xảo, giống y hệt như tiền thật và nhiều trường hợp máy soi tiền giả cũng khó có thể phát hiện được.
Vì vậy mà nhiều người đã phải "ôm hận" khi tá hỏa phát hiện ra trong ví mình đang có những tờ tiền giả mà tiêu không được, để lại cũng không xong.
Tiền giả ngày càng được làm tinh xảo nên rất khó bị phát hiện
Tuy nhiên, trên thực tế, dù bằng kỹ thuật tinh vi đến mức nào thì những tờ tiền giả vẫn có những sự khác biệt rõ nét so với những tờ tiền thật, đặc biệt là ở những đặc điểm bảo an, màu sắc, chất liệu...
Và chỉ cần cẩn thận chú ý và quan sát bằng mắt thường, người tiêu dùng vẫn có thể nhận biết tiền giả trong quá trình giao dịch, mua bán hàng ngày, chỉ với 5 đặc điểm sau đây.
Chất liệu tờ tiền
Tiền thật: Những tờ tiền thật được làm từ chất liệu polymer nên dai, dùng tay thường không xé được, mỏng và nhẹ. Khi sờ bề mặt tờ tiền thấy có độ nhám, vò tờ tiền thấy không rõ nếp nhăn, gấp, nhanh chóng đàn hồi về trạng thái ban đầu.
Khi vò tờ tiền giả sẽ thấy những nếp nhăn gấp hằn rất rõ.
Tiền giả: Giòn hơn và dày hơn so với tiền thật, chỉ cần mạnh tay một chút cũng có thể rách được. Tiền giả có bề mặt bóng, trơn, khi vò tờ tiền sẽ thấy những nếp nhăn gấp hằn rất rõ.
Hình bóng chìm Bác Hồ
Tiền thật: Khi đặt tờ tiền trước một nguồn sáng và quan sát sẽ thấy hình bóng chìm chân dung của Bác được làm một cách tinh xảo, sắc nét, nhìn được ở cả hai mặt của tờ tiền.
Hình ảnh Bác hiện lên rõ nét mà có thể nhìn thấy cả sợi tóc bạc và râu của Bác, với ánh mắt đang nhìn về phía mình Viền xung quanh chân dung Bác cũng có màu sáng hơn màu nền xung quanh.
Hình bóng chìm chân dung Bác Hồ trên tờ tiền thật (mệnh giá từ 20.000 - 500.000 đồng)
Tiền giả: Làm tương tự sẽ thấy chân dung Bác không có sự sắc nét, tỉ mỉ, không thể nhìn thấy sợi tóc hay râu của Bác. Khuôn mặt của Bác cười trông cứng, không thật.
Tờ tiền giả đường nét in cũng không được sắc sảo, hơi mờ. Có những loại tiền giả còn không có hình bóng chìm hoặc chỉ là hình mô phỏng thô sơ chân dung của Bác.
Các chi tiết in nổi
Tiền thật: Trên tờ tiền, các chi tiết in nổi như chữ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, chữ số và mệnh giá tiền, Quốc huy, hình ảnh Bác…khi vuốt tay lên sẽ thấy có độ nhám ráp.
Tiền giả: Khi vuốt tay lên những điểm này thấy trơn láng, bóng, không có độ nhám.
Các chi tiết đổi màu (OVI)
Tiền thật: Khi chao nghiêng tờ tiền, những chi tiết đổi màu OVI sẽ hiệu ứng chuyển từ màu vàng sang màu xanh lá cây.
Cụ thể khi nhìn thẳng vào các chi tiết này sẽ thấy có màu vàng ánh, còn khi nghiêng tờ tiền sẽ thấy yếu tố này chuyển thành màu xanh lá. Mỗi mệnh giá tiền sẽ có vị trí in yếu tố đổi màu khác nhau.
Các chi tiết đổi màu OVI của tờ tiền giả (phía trên) không có hiệu ứng đổi màu rõ rệt như ở tờ tiền thật (phía dưới)
Tiền giả: Các chi tiết đổi màu OVI không có hiệu ứng đổi màu rõ rệt mà chủ yếu chỉ có một màu, chi tiết được in không sắc nét, màu dại.
Chi tiết Iriodin
Tiền thật: Chi tiết Iriodin là dãy vàng óng in dọc tờ tiền, khi nhìn nghiêng có màu vàng ánh và mệnh giá tiền ẩn ở phía dưới.
Tiền thật (phía dưới) có chi tiết Iriodin, trong khi tiền giả (phía trên) không có
Tiền giả: Không có chi tiết này, nếu có thì chỉ là dãy vàng màu nhạt gần như là không thấy hoặc là màu ánh vàng trông đậm và giả hơn.
Các cửa số lớn và nhỏ
Tiền thật: Trên cửa sổ lớn có hình dập nổi mệnh giá tiền tinh xảo, sắc nét. Đưa tờ tiền lên hướng vào nguồn ánh sáng đỏ (lửa, đèn sợi đốt) và nhìn qua cửa sổ lớn sẽ thấy hình phát quang là những hoa văn có ánh màu gần giống cầu vồng, còn ở cửa sổ nhỏ sẽ hiện lên hình ẩn (DOE).
Chi tiết ở cửa sổ lớn của tiền thật sắc nét và tinh xảo hơn so với của tờ tiền giả
Tiền giả: Làm tương tự sẽ không thấy hình phát quang mà chỉ thấy màu trong đục, không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn hoặc chỉ là các nét thô, trong cửa sổ nhỏ không có hình ẩn.
Mực không màu phát quang
Tiền thật: Khi được soi dưới đèn cực tím sẽ thấy mực không màu phát quang. Đồng thời chi tiết 2 dãy số seri luôn phải giống nhau, nhìn mắt thường có màu đỏ và đen nhưng khi qua đèn cực tím cũng sẽ đổi màu.
Tiền giả: Làm tương tự không quan sát được những hiện tượng trên.
Những đặc điểm nhận biết tiền giả - tiền thật trên các loại tiền có mệnh giá lớn:
Tiền mệnh giá 500.000 đồng
Tiền mệnh giá 200.000 đồng
Tiền mệnh giá 100.000 đồng
(Theo VTC)
Link nội dung: https://duhocminhanh.com/cach-nhan-biet-tien-500-nghin-gia-a15528.html