Cha ông ta vẫn luôn nhắc nhở “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trong đời sống nông nghiệp, khi đồng lúa là nơi quyết định lẽ sinh tồn thì không một vật nuôi nào có thể đem lợi ích cho người nông dân nhiều bằng con trâu nên con trâu là gia tài mà bao người nông dân phải khát khao.
Tác phẩm dân gian “Lục súc tranh công” nói rất nhiều về công lao của con trâu đối với người nông dân. “Làm không kịp thở/Ăn không kịp nhai/Tắm mưa, trải gió chi nài!/Đạp tuyết, giày sương bao sá!/ Có trâu, sẵn tằm tơ, lúa má/Không trâu, không hoa quả, đậu mè”…
Nhưng trong nền văn học Việt Nam, có lẽ tác phẩm thể hiện niềm khát khao cháy bỏng được sở hữu vật nuôi này là tiểu thuyết “Con trâu” của Trần Tiêu (1900 - 1954). Bối cảnh tác phẩm là cuộc sống lam lũ của dân quê đồng bằng Bắc Bộ thời Pháp thuộc, quanh năm bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, gần như suốt đời chìm trong cảnh tăm tối với các hủ tục, không có một giây phút thảnh thơi, mà điển hình là bác nông dân Chính. Bác có một ước mơ là tậu được một con trâu cái để đổi đời. Tác phẩm có những đoạn tả về con trâu qua cái nhìn của bác Chính, mà những đoạn trích dẫn đã làm chúng tôi say mê thời tiểu học: “Con trâu nằm gập hai chân trước, một chân sau hơi duỗi để lộ bộ vú hồng phơn phớt lông tơ trắng. Nó không buồn để ý đến bác, tư lự như một nhà triết học, cặp mắt lờ đờ nhìn đâu đâu”. Bác Chính lao vào công việc, tần tảo làm lụng để có thể thực hiện mơ ước của mình. Công việc vất vả, nhưng sức lực có hạn và cuối cùng người nông dân nghèo khổ kia đã ngã xuống trên ruộng cày, trước khi nhắm mắt, miệng còn lảm nhảm “con trâu cái, con trâu cái”!
Ta thường quen gọi ngưu trong tiếng Hán là con trâu, nhưng thực ra ngưu là con bò, còn thủy ngưu (con bò ưa đẵm mình trong nước) mới là con trâu. Trong tác phẩm “Anh hùng xạ điêu” của Kim Dung, dịch giả lỗi lạc Hàn Giang Nhạn dịch nhầm thủy ngưu là “con trâu nước” để chỉ Quách Tĩnh, nhân vật chính đôn hậu nhưng tối dạ. Lịch sử Trung Quốc vẫn lưu truyền giai thoại vua Nghiêu nghe Hứa Do là người hiền tài nên muốn nhường ngôi. Hứa Do nghe được, cho rằng điều đó làm bẩn tai mình nên đến sông Dĩnh rửa tai cho sạch. Sào Phủ đang cho trâu uống nước gần đó, nghe được chuyện, sợ nước rửa tai làm bẩn miệng trâu nên dắt trâu đi ngược lên nguồn để uống! Đúng là những người siêu cao ngạo.
Nhưng dùng con bò để “chơi xỏ” đối thủ, như cụ Nguyễn Công Trứ mới đạt đến độ thâm thúy “quỷ khốc thần sầu”. Khi cụ Trứ còn làm quan thì thường bị một quan đại thần tên Hà Tôn Quyền nhiều lần gièm pha khiến hoạn lộ của ông lắm phen chìm nổi. Đến khi trí sĩ về hưu, cụ Trứ nhà ta ngất ngưởng ngồi trên cỗ xe bò cái kéo, cổ bò lại đeo nhạc ngựa, thong thả đến từng nhà từ giã đồng liêu. Ông lấy một cái mo cau, chép một bài thơ buộc vào phía sau đuôi bò. Nhiều người tò mò, đọc xong đều ôm bụng cười. Khi đến nhà Hà Tôn Quyền, ông úp sấp mo cau lại, Hà hiếu kỳ đòi xem cho bằng được, nên sai người lật ngửa tấm mo cau lên. Trên mo cau có bài thơ:
“Xuống ngựa lên xe lọ tưởng nhàn/Lợm mùi giáng chức với thăng quan/ Điền viên dạo chiếc xe bò... cái/ Sẵn tấm mo che miệng thế gian”.
“Miệng thế gian” nằm dưới đuôi con bò cái! Đúng là chỉ có Uy Viễn tướng công mới nghĩ ra cái trò quái chiêu này để chơi xỏ những lời gièm pha của họ Hà.
Thiền tông Trung Quốc có Thập mục ngưu đồ là mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng, tương ứng với quá trình tu học của một hành giả từ lúc bắt đầu tu học cho đến khi giác ngộ hoàn toàn. Những dân tộc sống trong văn minh lúa nước, như Trung Quốc hay Việt Nam, vốn không thích lý luận rườm rà, nên Thiền tông dùng những hình ảnh trực quan gần gũi để khai ngộ cho người tu học. Mười bức tranh chăn trâu này được xem là sự thể hiện cô đọng nhất, hàm súc nhất, trình bày toàn bộ tinh hoa của Phật giáo Đại thừa. Giáo pháp này hoàn toàn không có trong kinh điển Phật giáo Ấn Độ, càng cho thấy hình ảnh con trâu gắn bó mật thiết với sinh hoạt của những quốc gia chuyên về nông nghiệp như thế nào.
Link nội dung: https://duhocminhanh.com/hinh-anh-con-trau-trong-van-hoc-a15677.html