Họ không những sống được mà “sống khỏe” cùng di sản với vô vàn các loại hình dịch vụ, sinh kế nương nhờ du lịch. Và hơn ai hết, họ hiểu được những giá trị bền vững mà di sản PN-KB mang lại cho hiện tại và cả thế hệ tương lai.
Sinh kế miền di sản
Với hàng trăm hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vĩ đã được phát hiện và đâu đó trong những lòng núi đá vôi còn rất nhiều bí ẩn của tự nhiên chờ đợi con người khám phá, bởi vậy không phải ngẫu nhiên mà PN-KB được mệnh danh là “Vương quốc hang động”. Trong đó, động Phong Nha (động nước), là một trong những hang động được phát hiện sớm nhất và hiện nay vẫn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến PN-KB. Động nước được đưa vào khai thác, phục vụ du lịch từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, hơn 20 năm là nguồn sinh kế của hàng nghìn người dân bản địa, hay nói đúng hơn là cả một thế hệ cư dân nơi đây.
Bến thuyền vào động nằm ngay trung tâm của thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) luôn tấp nập, nhộn nhịp du khách và vô vàn các loại hình dịch vụ, du lịch được người dân tạo ra để thu lợi từ nguồn du khách mà di sản này mang lại. Từ các nhà hàng ăn uống, đồ lưu niệm mà nổi bật nhất là đội thuyền đậu ngay ngắn dưới sông Son chờ chở khách ngược dòng vào động Phong Nha tham quan. Cùng với sự phát triển mạnh của du lịch, đội thuyền năm xưa chỉ chục chiếc thuyền gỗ nay đã mở rộng hơn 400 chiếc nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách thập phương mùa cao điểm.
Ông Nguyễn Văn Hà (SN 1974), thôn Xuân Tiến, thị trấn Phong Nha là một trong những tài công có thâm niên nhất ở bến thuyền. Ông theo nghề lái thuyền chở khách từ những ngày đầu động nước mở cửa với chiếc thuyền gỗ đánh cá trên sông Son. Theo thời gian, chiếc thuyền gỗ nay chuyển thành thuyền nhôm và số lượng cũng thành 2 cái, một chiếc ông lái và chiếc khác vợ ông lái.
Ông Hà chia sẻ, của hồi môn của vợ chồng ông bà sau khi cưới là chiếc thuyền gỗ được bố ông để lại để kiếm kế sinh nhai bằng nghề chài lưới trên sông Son. Những tưởng sẽ đeo bám cái nghề “gia truyền” đến hết đời để mưu sinh thì luồng sinh khí du lịch tràn vào miền di sản. Qua một vài lớp tập huấn, đôi vợ chồng ngư phủ trở thành tài công lái thuyền chở khách du lịch từ đó.
Hơn 20 năm chuyển nghề, gia đình ông Hà không những thoát cảnh mưu sinh “được nay lo mai” mà còn có của ăn của để. Và quan trọng nhất là 4 người con của ông bà đều ăn học đến nơi đến chốn. Hiện, hai cô con gái đang theo học đại học năm cuối các ngành kinh tế du lịch, con cả đã tốt nghiệp và đang làm quản lý cho một khách sạn có tiếng trên địa bàn. Người con út đang học THPT và thường phụ ông bà những ngày nghỉ, cần mẫn đón từng chuyến khách vào tham quan động Phong Nha.
“Cứ cố gắng học hết phổ thông rồi tính, không học thêm được thì về làm tài công chở khách cũng được, thu nhập không cao nhưng ổn định. Còn di sản là còn đường cho mình kiếm sinh kế...”, ông Hà cười nói.
Theo ông Hà, hiện nay mỗi chuyến thuyền chở khách ra vào với giá 550.000 đồng, mùa cao điểm mỗi thuyền chạy ngày 2 chuyến. Thu nhập tính trung bình có thể không quá cao nhưng ổn định, nhiều tài công lớn tuổi ở động Phong Nha đã chuyển thuyền sang cho thế hệ con cháu, tiếp tục công việc mưu sinh.
Ngoài công việc chạy thuyền, gia đình ông Hà còn nuôi thêm mấy bè cá lồng trên sông Son, chuyên nhập lại cho các nhà hàng phục vụ du lịch trên địa bàn và các vùng lân cận. Bà Nguyễn Thị Thiết (SN 1976), vợ ông Hà cho hay, trong thôn hầu như nhà nào cũng có nuôi cá lồng như giải pháp tăng thêm nguồn thu nhập. Các loại cá được nuôi chủ yếu, như: Cá chình, chẽm, vược,... và nhiều nhất là cá trắm. Cá trắm nuôi lồng trên sông Son ngon nức tiếng và dần trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Ở Phong Nha, cuộc thi cá trắm sông Son được tổ chức như một hoạt động du lịch thường niên. Theo thống kê, hiện khu vực dọc sông Son có khoảng 500 cơ sở nuôi cá lồng, cung cấp hàng trăm tấn sản lượng mỗi năm cho thị trường, tập trung nhiều ở thị trấn Phong Nha và xã Hưng Trạch.
Cơ hội luôn mở
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch, nhiều loại hình, dịch vụ không ngừng mở rộng, đổi mới để đáp ứng thị hiếu của du khách. Song song đó là hàng loạt cơ hội việc làm, lao động, nâng cao thu nhập và cư dân vùng đệm di sản PN-KB cũng tìm mọi cách để chuyển mình cùng sự phát triển.
Sau chuyến phục vụ du lịch mạo hiểm, anh Trần Thanh Tùng, ở xã Phúc Trạch (Bố Trạch)-địa phương vùng đệm thuộc PN-KB tranh thủ ghé về nhà thăm bố mẹ rồi tiếp tục theo tour mới. Anh Tùng gắn bó với nghề porter đã gần 6 năm nay, sau khi học xong cấp 3. Những người trẻ như anh Tùng ở Phúc Trạch không xa lạ với những chuyến đi rừng dài ngày. Từ thuở mới lớn, anh cùng nhiều đứa trẻ trong làng đã theo chân cha, chú vào rừng mưu sinh, nay anh cũng vào rừng, vào động mưu sinh nhưng bản chất công việc hoàn toàn khác. Thế hệ cha chú vào rừng khi săn bẫy thú rừng, khi vận chuyển gỗ thuê còn nghề porter như Tùng chủ yếu gùi hàng hóa, thuốc men, dẫn đoàn... tóm lại là phục vụ khách du lịch theo tour, tuyến mạo hiểm.
Tùng chia sẻ, từ nhỏ đã quen đi rừng nên nghề porter rất thích hợp với những người như mình. Và càng đi nhiều, được tiếp xúc nhiều với cả người nước ngoài, mở mang nhiều kiến thức. Những người bạn cùng trang lứa với Tùng hầu hết đều tìm những công việc thích hợp “ăn theo” du lịch, vẫn có thu nhập ổn định mà không phải xa nhà. “Sau mấy năm ảnh hưởng do dịch bệnh, du lịch đã khởi sắc trở lại, em đang lên kế hoạch hùn vốn cùng người bạn để mở homestay, chưa thử sao biết không có cơ hội..”, Tùng bộc bạch.
Năm 2016, trên một số diễn đàn du lịch bàn tán sôi nổi hình ảnh người nước ngoài “tóc vàng, mắt xanh” đội nón lá, cười thích thú tranh nhau cưỡi trâu cày ruộng, chăn vịt... tại điểm du lịch “The Duck Stop” (trạm vịt) ở thôn Khương Hà 5, xã Hưng Trạch (Bố Trạch). Điểm du lịch được chàng trai Trần Ngọc Quỳnh, một người địa phương, lúc đó 18 tuổi nghĩ ra, chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài. Đến với “The Duck Stop” du khách sẽ được tham quan vườn cây dược liệu, cây ăn quả nhiệt đới, trải nghiệm cưỡi trâu, cày ruộng, chăn đàn vịt và thưởng thức những món ăn “cây nhà, lá vườn”.
Theo Quỳnh, vì gia đình khó khăn, nên lúc đang học phổ thông thường xin phụ việc tại các homestay, quán bar du lịch trên địa bàn để phụ giúp bố mẹ. Đầu năm 2016, tình cờ một lần lùa trâu đi tắm, Quỳnh gặp du khách nước ngoài, họ tỏ ra thích thú và xin được cưỡi trâu. Với vốn tiếng Anh khá và sự vui vẻ, hài hước Quỳnh còn mời được mấy vị khách ghé nhà chơi. Một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu chàng trai trẻ và sau đó là sự ra đời của “The Duck Stop”.
Đến năm 2018 thì mô hình đi vào hoạt động đều đặn, mỗi ngày đón 30-40 vị khách “tây” ghé thăm, với giá vé 100-150 nghìn đồng tùy theo dịch vụ sử dụng. Hiện tại, cả gia đình Quỳnh gồm 10 người đều tham gia phục vụ tại “The Duck Stop” cho thu nhập ổn định quanh năm và đến bây giờ nhiều thành viên trong gia đình cứ nghĩ đang còn mơ. Quỳnh cho hay, không phải dễ dàng để “The Duck Stop” đi vào hoạt động nếu không được sự động viên, khuyến khích của người thân và cả chính quyền địa phương. “The Duck Stop” hiện đã đi vào guồng hoạt động nhưng để phát triển thì cần thời gian và đầu tư nhiều công sức, nhất là với khách “tây”.
Hiện, cư dân miền di sản PN-KB đã và đang chuyển mình theo thời cuộc, đặc biệt là với người trẻ. Họ không những sống được mà “sống khỏe” cùng di sản. Và để “sống khỏe” thì di sản cũng phải “sống khỏe” bởi hơn ai hết, họ hiểu được những giá trị bền vững mà di sản PN-KB mang lại...
Xuân Phú
Theo baoquangbinh.vn
Link nội dung: https://duhocminhanh.com/chi-tiet-tin-so-du-lich-quang-binh-a15993.html