Căn nhà nhỏ của gia đình ông Nguyễn Quang Bích (sinh năm 1951, trú tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nằm ở lưng chừng đồi. Khi chúng tôi tới, ông Bích và vợ đang chăm cháu. Thấy có khách, ông dừng tay pha trà, bà đưa cháu vào nhà trong.
Sau một hồi trò chuyện, khi chúng tôi nhắc đến bức ảnh, ông rưng rưng: “Đó là chứng tích của một thời hào hùng của dân tộc mà những người lính như chúng tôi sẽ còn nhớ mãi”.
Ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo tỉnh Hà Tây (cũ), lớn lên trong thời gian đất nước có chiến tranh, rồi máy bay Mỹ tàn phá quê hương. Vì thế, ông mong muốn mình có cơ hội góp một phần xương máu cho Tổ quốc. Năm 1972, khi ông đang học Trường 12+2 của tỉnh Hà Tây và chỉ còn một tháng nữa là tốt nghiệp thì tình hình chiến sự từ khu vực vĩ tuyến 17 trở vào căng thẳng. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông cùng một số nam sinh viên trong lớp làm đơn tình nguyện nhập ngũ.
Sau khi nhập ngũ, tân binh như ông được huấn luyện một tháng. Sau đó, ông tiếp tục được đưa đi đào tạo hạ sỹ quan. Khi ông học hạ sỹ quan gần xong thì có báo động chiến đấu. Trung Đoàn 12 (E12 Hà Tây), đơn vị của ông được lệnh vào thành cổ Quảng Trị (tháng 11/1972).
Bức ảnh ông Nguyễn Quang Bích và đơn vị hành quân (Ảnh tư liệu)
Trên đường hành quân, cả đơn vị hát vang những bài ca hào hùng. Hai bên đường, rất đông đồng bào, người thân vẫy chào các chiến sỹ. “Đáp lại tình cảm của đồng bào, chúng tôi cười và vẫy chào mọi người. Tôi đi hàng đầu, vô tình lọt vào ống kính của phóng viên, và đó là một khoảnh khắc rất đẹp”, ông Bích kể.
Sau đó, ông vào chiến trường miền Nam, đóng quân ở Tây Ninh, chiến đấu cho đến khi đất nước thống nhất. Năm 1976, ông phục viên, chuyển về công tác trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, ông cũng không biết mình có một bức ảnh rất đẹp, được đăng báo và là tư liệu lưu trữ của nhiều cơ quan, đơn vị.
Ông Nguyễn Quang Bích bên tấm hình chụp của mình.
Năm 2010, nhân dịp Hà Nội tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Đài truyền hình Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu triển lãm những bức ảnh đẹp nhất của đất nước, con người thủ đô. Xem tivi, vợ ông mới bảo: “Ông ơi, hình như ảnh của ông khi hành quân được đưa vào triển lãm ảnh". Nghe vậy, ông ngạc nhiên, bởi lâu nay không biết mình có ảnh, lại còn được đưa vào triển lãm. Ông chờ tivi phát lại chương trình, xem thì thấy đúng là hình ảnh của mình trong đợt hành quân. Khi ấy, ông mới gọi cho con cháu đang làm ngoài Hà Nội để hỏi về triển lãm ảnh.
Sáng hôm sau, vợ chồng ông bắt xe ra Hà Nội đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám xem triển lãm ảnh. Khi thấy ảnh chồng, vợ ông reo lên: “Ông ơi, ảnh ông đây này”. Sau đó, đôi vợ chồng già đứng ngắm bức ảnh.
Nhiều người dân đi xem triển lãm khi biết nhân vật anh bộ đội Cụ Hồ trong bức ảnh ấy là ông đã xúm vào hỏi thăm, trò chuyện. Vợ chồng ông cũng hỏi bộ phận lễ tân về tác giả bức ảnh, nhưng sau được biết tác giả đã qua đời. “Nhìn tấm hình, tôi rưng rưng. Một thời hào hùng, một thời khói lửa của dân tộc được tái hiện. Tôi thấy như mình trẻ lại, hòa vào không khí sục sôi của dân tộc”, ông Bích xúc động.
Vợ chồng ông Nguyễn Quang Bích
Chia sẻ về lý do tại sao lại nhận biết được ảnh của chồng trên truyền hình, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (72 tuổi, vợ ông Bích) cho biết, tấm ảnh của ông được chụp cuối năm 1972, thời điểm đó hai người đang yêu nhau. Tết năm 1973, bà đã thấy bức hình của ông trưng bày ở vườn hoa Hà Đông, sau đó đăng trên báo Hà Tây số Tết Dương lịch 1973. Dù vậy, từ sau đợt đó kể cả đến khi cưới nhau, bà cũng quên bức hình chụp của chồng cho đến khi Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những đặc trưng cơ bản của danh hiệu bộ đội Cụ Hồ được cô đúc trong lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Vợ chồng ông Nguyễn Quang Bích chăm sóc các cháu.
Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, dù chuyển ngành nhưng ông Bích vẫn giữ nguyên những phẩm chất tốt đẹp ấy. Ông luôn phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính, tiên phong, gương mẫu trong các phong trào thi đua. Trong đời sống sinh hoạt tại khu dân cư, gia đình ông luôn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình tuân thủ pháp luật, đóng góp xây dựng các phong trào do địa phương phát động. Noi gương bố mẹ, các con ông đã nỗ lực học tập, thành đạt hiện đều làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Trong công việc, bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông không ngừng tự học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn. Đồng thời, truyền lửa cho các thế hệ học trò cho đến khi nghỉ hưu. Đến nay, lớp lớp học trò của ông đã trưởng thành, nhiều người giữ các vị trí cao trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp.
Chia sẻ về hình ảnh người lính cụ Hồ ngày nay, ông Bích bảo bây giờ đất nước đã hòa bình, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Người lính không còn quá vất vả như thời chiến tranh, trang bị hiện tại, tiên tiến hơn. Dù vậy, người lính không vì thế mà chủ quan, họ vẫn luôn rèn luyện, thử thách, sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, họ vẫn luôn giữ được những phẩm chất, đức tính cao quý của bộ đội Cụ Hồ.
“Cái giá của hòa bình, độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân là vô cùng to lớn, không thể đong đếm được. Tôi mong rằng, các chiến sĩ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để sáng mãi những phẩm chất, ngời khí cách mạng trong giai đoạn thời bình, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông Bích chia sẻ.
Link nội dung: https://duhocminhanh.com/gap-lai-anh-bo-doi-cu-ho-trong-buc-anh-dep-nhat-thoi-chien-a16113.html