Theo MSN, hầu hết việc phân chia thời gian được tính toán dựa trên chuyển động của các hành tinh, Mặt trăng và các ngôi sao. Một ngày của chúng ta được tính bằng 1 vòng quay hoàn toàn của Trái đất quanh trục của chính nó. Trong khi đó, 1 năm là khoảng thời gian đủ để Trái đất hoàn thành 1 vòng quay quanh Mặt trời - mất 365 và 1/4 ngày.
Một số nền văn minh sớm nhất đã biết quan sát vũ trụ và ghi lại chuyển động của các hành tinh, Mặt trời và Mặt trăng. Người Babylon, sống ở khu vực ngày nay là Iraq, vốn là những nhà quan sát thiên văn sắc sảo, góp công lớn trong việc phân chia các tuần thành 7 ngày như chúng ta vẫn áp dụng.
Lý do là họ đã quan sát được 7 thiên thể - Mặt trời, Mặt trăng, Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ - do đó đây được coi là con số có ý nghĩa đặc biệt.
Trong lịch sử, cũng có những nền văn minh khác đã chọn những con số khác. Ví dụ, người Ai Cập, một tuần của họ kéo dài 10 ngày hoặc người La Mã là 8 ngày.
Người Babylon chia các tháng âm lịch của họ thành các tuần 7 ngày, với ngày cuối cùng của tuần có ý nghĩa tôn giáo đặc biệt. Tháng âm lịch 28 ngày, tương đương một chu kỳ hoàn chỉnh của Mặt Trăng, là khoảng thời gian quá dài để quản lý hiệu quả, và vì vậy, đó chính là lý do người Babylon đã chia các tháng của họ thành 4 phần bằng nhau, mỗi phần là 7 ngày tương ứng với 1 tuần.
Tuy nhiên, số 7 cũng không thực sự phù hợp để trùng với năm dương lịch hoặc thậm chí là các tháng, vì vậy, kiểu phân chia này đã tạo ra một số mâu thuẫn.
Người Babylon là một nền văn hóa thống trị ở Cận Đông, đặc biệt là vào thế kỷ thứ 6 và thứ 7 trước Công nguyên, nên quan niệm này và nhiều quan niệm khác của họ về thời gian - chẳng hạn như một giờ bằng 60 phút - vẫn tồn tại và lưu hành.
Quy ước 1 tuần 7 ngày phổ biến khắp Cận Đông và cũng được người Do Thái tiếp nhận. Tương tự các nền văn hóa khác ở các khu vực xung quanh, bao gồm cả đế chế Ba Tư và người Hy Lạp, cũng nhanh chóng áp dụng.
Nhiều thế kỷ sau, khi Alexander Đại đế bắt đầu truyền bá văn hóa Hy Lạp khắp vùng Cận Đông cho đến tận Ấn Độ, khái niệm về một tuần 7 ngày cũng được truyền bá rộng rãi.
Thậm chí khi người La Mã bắt đầu chinh phục lãnh thổ chịu ảnh hưởng của Alexander Đại đế, họ cuối cùng cũng chuyển sang áp dụng cách phân chia 1 tuần 7 ngày. Chính Hoàng đế Constantine đã ra sắc lệnh rằng tuần 7 ngày là tuần lễ chính thức của La Mã và biến Chủ nhật trở thành ngày nghỉ lễ vào năm 321 sau Công nguyên.
Ngày cuối tuần đã không được chấp nhận cho đến tận thời kỳ hiện đại trong thế kỷ 20.