Du học là một khái niệm quá đỗi quen thuộc đối với đại chúng nhưng du học nghề là gì thì không hẳn là ai cũng hiểu. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng CareerLink tìm hiểu tất tần tật về du học nghề để xem loại hình du học này có phải sinh ra là dành cho bạn hay không nhé.
Du học nghề là gì?
Khi nhắc đến du học, chúng ta thường lập tức nghĩ đến việc sang một đất nước khác để học đại học hay cao học. Nhưng ngoài hình thức du học truyền thống đó, chúng ta còn có thêm một lựa chọn khác chính là du học nghề.
“Nói một cách đơn giản thì du học nghề là sang một đất nước khác để học một nghề nào đó và trở thành những người thợ giỏi trong ngành nghề này”.
Khác với các chương trình du học truyền thống, chương trình du học nghề thường kéo dài từ 2-3 năm và được “sinh ra” để đáp ứng nhu cầu du học của những người đi làm, người lớn tuổi và có trình độ học vấn không quá cao. Trong khi các chương trình du học truyền thống dành nhiều thời gian để đào tạo các môn lý thuyết thì du học nghề lại thiên về thực hành với hình thức đào tạo trực quan nhằm giúp học viên nắm chắc một nghề trong tay trong thời gian ngắn nhất và có thể nhanh chóng tìm kiếm một công việc.
Những quốc gia đang đẩy mạnh du học nghề hiện nay có thể kể đến Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Canada. Với mục đích bù đắp sự thiếu hụt về nguồn nhân lực trong nước, các quốc gia này đang có khá nhiều chính sách hỗ trợ cho du học sinh và lao động nước ngoài đến học tập và làm việc tại đất nước của mình. Chính vì vậy, thủ tục du học nghề cũng tương đối dễ dàng hơn so với du học truyền thống.
Ưu điểm của du học nghề là gì?
Như bạn đã biết, du học nghề có nhiều điểm giống với du học truyền thống. Vậy lí do mà nhiều người chọn du học nghề là gì?
- Tỷ lệ đậu visa cao, thời gian xử lý nhanh;
- Thủ tục đơn giản, chi phí tương đối thấp so với các chương trình du học truyền thống;
- Không gặp nhiều giới hạn về độ tuổi, bằng cấp như chương trình du học truyền thống;
- Bằng cấp nghề được công nhận toàn cầu giúp bạn có cơ hội việc làm xuyên quốc gia;
- Có thể học liên thông lên Đại học để nâng cao kiến thức và địa vị bản thân sau khi hoàn tất chương trình định cư;
- Không bị cấm/ giới hạn thời gian làm thêm như các chương trình du học truyền thống, thậm chí du học sinh còn được nhà trường tạo cơ hội thực tập hưởng lương ở các doanh nghiệp ngay trong quá trình học để vừa củng cố tay nghề, vừa có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Đặc biệt, mức lương mà du học sinh được chi trả cũng không hề thấp;
- Thời gian học thực hành nhiều hơn lý thuyết giúp du học sinh nhanh chóng nắm vững quy trình làm nghề và nâng cao tay nghề của bản thân;
- Sau khi hoàn thành chương trình du học nghề sẽ được tư vấn lộ trình làm việc, định cư dài hạn tại nước sở tại;
- Cơ hội làm việc rộng mở nhờ mạng lưới liên kết rộng khắp với hàng trăm doanh nghiệp;
- Có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp sau khi về nước nhờ chứng nhận kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài;
- Thời gian đào tạo ngắn (chỉ khoảng 2-3 năm thay vì 4-5 năm như chương trình học đại học), du học sinh có thể nhanh chóng tìm được công việc và có mức thu nhập tốt sau khi hoàn thành chương trình học.
Nhược điểm của du học nghề là gì?
- Chi phí du học nghề thường thấp hơn so với chương trình du học truyền thống tuy nhiên lại không thể gọi là rẻ. Chưa kể, chi phí này cũng có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành nghề khác nhau. Ví dụ như nghề đầu bếp, chi phí thực hành khi theo học nghề này thực sự khá đắt đỏ. Do đó, hãy tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra lựa chọn ngành nghề mà mình sẽ theo học;
- Mất nhiều thời gian hơn nếu muốn học liên thông chương trình đại học;
- Một số du học sinh lựa chọn du học nghề khi tuổi đã lớn có thể gặp khó khăn trong quá trình hòa nhập, thích nghi với con người và môi trường mới.
Đối tượng du học nghề hướng đến là ai?
Đối tượng mà chương trình du học nghề hướng đến là học sinh, sinh viên, những người đã đi làm và cả những người không có trình độ học vấn cao. Vì tính chất của chương trình du học nghề là đào tạo nên đội ngũ lao động lành nghề - những người thợ giỏi trong những ngành nghề nhất định nên sẽ không quá cứng nhắc trong vấn đề độ tuổi cũng như trình độ học vấn của du học sinh. Do đó, tất cả du học sinh tham gia chương trình này đều có hội được trải nghiệm chất lượng giáo dục, cuộc sống và môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp tại nước ngoài, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong tương lai.
Điều kiện đi du học nghề là gì?
Mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau đối với du học sinh lựa chọn chương trình du học nghề. Tuy nhiên, du học sinh vẫn buộc phải đáp ứng một số quy định chung sau đây nếu muốn tham gia chương trình du học nghề tại các nước:
- Tốt nghiệp THPT trở lên;
- Độ tuổi từ 18-35 (tùy theo quy định của mỗi quốc gia);
- Không có tiền án tiền sự;
- Sức khỏe tốt, đặc biệt không mắc các bệnh xã hội và các bệnh truyền nhiễm khác;
- Không có người thân (trong hộ khẩu) đang hoặc từng định cư bất hợp pháp tại quốc gia bạn dự định theo học;
- Có đủ điều kiện tài chính để theo học chương trình du học nghề;
- Có trình độ tiếng đạt yêu cầu (tùy thuộc vào quy định cụ thể của mỗi quốc gia).
Các ngành nghề phổ biến trong chương trình du học nghề
Khác với du học có nhiều ngành nghề khác nhau, du học nghề có ít ngành hơn. Bởi vì việc đào tạo chỉ tập trung vào các ngành nghề thiếu hụt nhân sự và công việc cần người làm trực tiếp ví dụ như đầu bếp, phục vụ nhà hàng khách sạn… Các nhóm ngành phổ biến như: Giáo dục và chăm sóc mầm non, chứng chỉ 3 nghề bếp, Lưu trú, ăn uống, giải trí và du lịch - lữ hành…
Bài viết trên đây đã cung cấp toàn bộ thông tin về du học nghề là gì, dành cho đối tượng nào, ưu - nhược điểm so với chương trình du học truyền thống và điều kiện để du học nghề ra sao. Nếu trước đây bạn vẫn còn phân vân và chưa hoàn toàn hài lòng với các chương trình du học truyền thống thì hy vọng rằng bài viết trên đây đã phần nào gỡ rối giúp bạn và mang đến cho bạn một lựa chọn phù hợp hơn. Chúc các bạn có những quyết định đúng đắn và gặt hái được thành công trên con đường sắp tới!
Trang Đoàn