Nâng cao năng lực số cho thanh niên
Để nâng cao nhận thức về CĐS trong tổ chức đoàn, đoàn viên, hội viên, thanh niên và nhân dân, mạng xã hội, các nền tảng số được các cấp bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) khai thác có hiệu quả trong việc cung cấp thông tin, kiến thức liên quan tới CĐS.
20 đội hình thanh niên với 260 thành viên được thành lập làm nòng cốt trong tuyên truyền, tập huấn kiến thức về CĐS. Đội đã phát huy vai trò tích cực trong triển khai đề án tại cơ sở, phụ trách biên soạn tài liệu, thiết kế ấn phẩm truyền thông. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn nâng cao năng lực số cho hơn 18 nghìn đoàn viên thanh niên và các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ). Ở cấp huyện, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, học sinh, tổ CNSCĐ, nhất là cán bộ công chức bộ phận một cửa các xã, phường, thị trấn về CĐS. Các huyện: Lạng Giang, Lục Ngạn, Yên Dũng, thị xã Việt Yên, TP Bắc Giang là những đơn vị đi đầu trong công tác này.
Hơn 300 sân chơi trực tuyến, giao lưu, cuộc thi, hội thảo, tư vấn định hướng nghề, diễn đàn, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, chi đội tạo điều kiện cho khoảng 400 nghìn thanh thiếu niên được tham gia các hoạt động nâng cao năng lực số.
Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức tuyên truyền cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội, giao tiếp, làm việc trên môi trường số bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Tổ đấu tranh phản bác, giám sát hoạt động trên không gian mạng hoạt động tích cực. Các tài khoản fanpage của tổ chức đoàn các cấp tích cực đăng tải, chia sẻ các thông tin nhằm tuyên truyền, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Các hoạt động như: Tư vấn định hướng nghề nghiệp liên quan đến thương mại điện tử; đào tạo nhân lực thương mại điện tử; xây dựng công cụ học tập, thực hành thương mại điện tử … góp phần từng bước đưa mục tiêu CĐS quốc gia vào cuộc sống.
Tỉnh đoàn đã tăng cường CĐS trong các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội. 100% cơ quan chuyên trách đoàn các cấp trong tỉnh sử dụng văn bản điện tử thay văn bản giấy trong công tác thông tin, báo cáo, điều hành, quản lý công việc. Phát triển các nền tảng trực tuyến phục vụ triển khai phong trào trong các khối đối tượng như các APP: Thanh niên Việt Nam, Sinh viên Việt Nam, Hướng nghiệp, Làm việc tốt, Fanpage Tỉnh đoàn Bắc Giang, Thanh niên Bắc Giang, Thiếu nhi Bắc Giang …
Hưởng ứng Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”, vận dụng tiện ích của mạng xã hội nhằm ngăn chặn, hạn chế thông tin giả, xấu độc, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, toàn tỉnh duy trì 427 tài khoản trên facebook - đây là kênh tuyên truyền hiệu quả để tiếp cận đoàn viên, thanh niên. Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” đã lan tỏa hàng nghìn tin tốt, hàng trăm câu chuyện đẹp, tấm gương sáng, việc làm tử tế của tuổi trẻ trên mạng xã hội, các website của Đoàn, Hội LHTN. Các cấp bộ đoàn triển khai hưởng ứng các trào lưu, xu hướng tích cực trên không gian mạng; tổ chức các chương trình định hướng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”.
Nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức
Đoàn viên thanh niên toàn tỉnh đã tham gia nhiều hoạt động, đi đầu trong CĐS, tham gia thúc đẩy xây dựng xã hội số. Toàn tỉnh có hơn 5 nghìn đoàn viên thanh niên tham gia và đóng vai trò nòng cốt trong duy trì hoạt động của các tổ CNSCĐ. Các thành viên của Tổ CNSCĐ đã được trang bị kiến thức, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản, bao gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng, sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương… bước đầu hình thành mạng lưới triển khai, hỗ trợ, thúc đẩy CĐS trên địa bàn toàn tỉnh.
Đoàn thanh niên các cấp đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân tăng cường quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số; hướng dẫn người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử. Đoàn cấp huyện còn tích cực phối hợp cơ quan chuyên môn cùng cấp xây dựng hàng trăm mô hình “Thư viện số”, “Thư viện số cộng đồng”, “Thư viện số trường học”, “Tủ sách điện tử” tại UBND cấp xã, trường học, nhà văn hóa khu dân cư cung cấp thông tin, kiến thức về các lĩnh vực đời sống, KT-XH, pháp luật cho thanh thiếu niên và nhân dân.
Trong hoạt động quảng bá du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông MobiFone xây dựng Cẩm nang du lịch số tỉnh Bắc Giang, ứng dụng công nghệ số hóa các địa điểm du lịch như: Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Vĩnh Nghiêm, Đền Xương Giang, Chùa Bổ Đà, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Chương trình truyền thông “Sắc màu Bắc Giang” thu hút lượng theo dõi lớn từ cộng đồng mạng trong và ngoài tỉnh. Chương trình giới thiệu điểm đến, các tour du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh. Nhiều hoạt động ứng dụng CĐS đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện có hiệu quả. Điển hình như Đội Thanh niên tình nguyện hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử, lực lượng đoàn viên thanh niên đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Các huyện, thị, thành đoàn duy trì 51 mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt”. Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 312,2 nghìn/411,2 nghìn (83%) đoàn viên thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Mô hình “Chi đoàn số” đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc thực hiện các nghiệp vụ của chi đoàn trên phần mềm quản lý đoàn viên, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động của chi đoàn. Bắc Giang là một trong những tỉnh hoàn thành sớm việc nhập dữ liệu đoàn viên của tỉnh lên phần mềm Quản lý đoàn viên trong cả nước. Đây là công cụ quan trọng hướng tới việc số hóa các nghiệp vụ quản lý đoàn viên.
Đồng chí Thân Trung Kiên, Bí thư Tỉnh đoàn - Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án trong điều kiện còn nhiều khó khăn; các cấp bộ đoàn, hội, đội đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về các chủ trương, chính sách liên quan đến mục tiêu CĐS của tỉnh, nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên; triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của Đề án và đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ đoàn, thanh thiếu niên và người dân về CĐS được nâng lên. Các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển, đào tạo, nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) được quan tâm đầu tư, đội ngũ cán bộ đoàn được quan tâm bồi dưỡng. Các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể theo giai đoạn cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trong giai đoạn tới, các cấp bộ đoàn, hội, đội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên. Ứng dụng triệt để CNTT trong điều hành, tác nghiệp; xây dựng hệ thống văn phòng điện tử đồng bộ; phát triển các nền tảng trực tuyến trong tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện, cuộc thi... của tổ chức đoàn, hội, đội các cấp. Xây dựng và vận hành các nền tảng số phục vụ triển khai các phong trào trong các khối đối tượng. Phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của đoàn viên thanh niên trong CĐS, tham gia thúc đẩy thực hiện xã hội số. Tham gia triển khai các dự án phát triển hạ tầng số, dịch vụ viễn thông, internet băng thông rộng, dịch vụ mạng di động nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận với công nghệ số của thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh, thu hẹp khoảng cách giữa thanh, thiếu niên miền núi với thanh thiếu niên ở khu vực đô thị.
Tùng Lâm