Bùi Hoàng Long (19 tuổi) là sinh viên năm thứ hai, ngành Khoa học máy tính tại trường Sri Guru Tegh Bahadur Khalsa (tên thường gọi SGTB Khalsa), trực thuộc Đại học Delhi (Delhi University - DU).
Long giới thiệu Áo dài tại ngày hội văn hoá ở trường.Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Long cho biết ở DU hiện có nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh người Việt. Phần lớn trong đó theo học các chuyên ngành nghiên cứu Phật học. Còn ở bậc cử nhân, hiện cậu là sinh viên duy nhất đến từ Việt Nam.
Được thành lập năm 1922 bởi chính chính quyền Ấn Độ thuộc Anh, Đại học Delhi hiện là một trong những trường đại học đa ngành tốt nhất trong nước. Tính đến năm 2023, DU có 77 trường thành viên và hơn 430.000 sinh viên.
Theo bảng xếp hạng trường đại học NIRF được Bộ Giáo dục Ấn Độ công bố tháng 6/2023, DU đứng thứ 11 toàn quốc. Trường cũng đứng thứ nhất toàn Ấn Độ về tính bền vững theo bảng xếp hạng QS Sustainability 2024.
Trường SGTB Khalsa được thành lập năm 1951, trực thuộc Đại học Delhi.Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại TP. Hồ Chí Minh, Long đã ứng tuyển thành công học bổng Chính phủ Ấn Độ ICCR bậc cử nhân. Học bổng này bao gồm: lệ phí visa, học phí, sinh hoạt phí, tiền ký túc xá và vé máy bay khứ hồi.
Cậu nhớ lại, vào thời điểm cuối lớp 12, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Với các thành tích thi học sinh giỏi môn Tin học, cậu nhận được học bổng ngành Công nghệ thông tin từ một trường đại học có tiếng trong nước. Do đó, cậu chưa từng nghĩ sẽ đi du học.
Trước khi làm quản lý công ty trên bờ, ba của Long từng công tác trên tàu viễn dương. Ông đã ghé thăm hầu hết những thành phố cảng lớn trong những chuyến đi biển vòng quanh thế giới.
Bằng kinh nghiệm của mình, ông luôn động viên, khuyến khích cậu trải nghiệm và khám phá các vùng đất mới. Nhận được gợi ý từ gia đình, cậu bắt đầu tìm hiểu về học bổng chính phủ Ấn Độ.
Khi đó, Long nhận thấy nhiều trường đại học tại Ấn Độ nổi tiếng trên thế giới trong việc đào tạo các ngành kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin. Chi phí sinh hoạt tại đây ở mức vừa phải, học bổng không quá cạnh tranh và quá trình xét duyệt nhanh. Sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, cậu đã lựa chọn du học Ấn Độ.
Bạn bè của Long tỏ ra bất ngờ xen lẫn khó hiểu với quyết định này. Mọi người nghĩ Ấn Độ còn nghèo và kém phát triển, một phần do những tin tức không chính xác về đất nước này thường được lan truyền.
Long (ngoài cùng bên phải), các du học sinh người Việt chụp ảnh cùng Đại sứ Nguyễn Thanh Hải - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Vương quốc Bhutan, trong một sự kiện của Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi.Long nhớ mãi chuyến bay kéo dài năm tiếng đồng hồ vào tháng 11/2022 từ TP. Hồ Chí Minh tới thủ đô New Delhi. Hành khách chủ yếu là khách du lịch và các Phật tử hành hương nên chàng trai 18 tuổi không khỏi bỡ ngỡ khi là gương mặt sinh viên hiếm hoi.
Hạ cánh xuống sân bay Indira Gandhi, sân bay bận rộn nhất khu vực Nam Á, điều đầu tiên khiến Long ấn tượng là sự đông đúc đến khó tin. Chặng đường từ sân bay về trường, cậu có thêm sự đồng hành của một sư cô cũng đang nghiên cứu tại Đại học Delhi theo học bổng của chính phủ Ấn Độ.
Long được sắp xếp vào ký túc xá International Students’ House (ISH) trong khuôn viên trường. Được thành lập từ năm 1964 bởi Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ ICCR và được Đại học Delhi tiếp quản năm 1968, đây là khu nhà ở dành riêng cho các sinh viên nam.
Long chụp bên ngoài khu ký túc xá ISH.Chỉ có các sinh viên quốc tế đang theo học tại DU có thành tích học tập tốt mới thuộc đối tượng được xét tuyển vào ở tại ISH. Mỗi phòng đều được trang bị sẵn giường đơn, tủ quần áo, quạt trần, bàn học và giá sách. Khoảng cách từ ISH đến khu giảng đường mất khoảng 5 phút đi bộ.
ISH được biết đến bởi sự đa dạng về văn hoá của các sinh viên sống tại đây. Theo trang web chính thức, khu nhà ở có khoảng trên dưới 100 sinh viên đang sinh sống, đến từ hơn 20 quốc gia khác nhau.
Hình ảnh lá cờ Việt Nam được Long mang đến ISH.Các tòa nhà ở ISH chủ yếu được xây dựng từ thập niên 60 của thế kỷ trước, đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu của sinh viên. Do khá cũ nên ký túc xá không lắp được điều hoà nhiệt độ, trong khi mùa hè tại thủ đô New Delhi thường rất khắc nghiệt.
Thời tiết có lẽ là điều khiến Long thất vọng nhất. “Vào mùa hè, nhiệt độ ở đây có thể lên tới gần 50 độ. Còn mùa khô, nhiệt độ dao động từ 37-40 độ, nhưng không khí rất khô và nóng. Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên dễ gây mệt mỏi, thậm chí bị ốm nếu không chú ý chăm sóc sức khỏe”, cậu chia sẻ.
Do khu học xá của trường rất rộng và đầy đủ tiện ích, cậu thường ít khi rời khỏi đây. Vào những ngày lễ hội, ngày nghỉ học theo quy định hoặc dịp đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi có sự kiện quan trọng, cậu thường dành thời gian ra ngoài khám phá thủ đô.
Lớp đại học ngành Khoa học máy tính ở trường SGTB Khalsa có khoảng 60 sinh viên, trong đó 10% là sinh viên quốc tế. Cùng với Long, còn có các bạn sinh viên quốc tế khác đến từ các nước Nam Á như Nepal, Sri Lanka và các nước châu Phi.
Long cùng thầy giáo và bạn học tại Đại học Delhi.Mỗi học kỳ, cậu học khoảng 7- 9 môn học và cần hoàn thành tổng cộng gần 60 môn để được xét tốt nghiệp. Long nhận xét các môn học đại cương rất khó và nặng về toán học. Ngược lại, các môn chuyên ngành như Lập trình, Hệ thống máy tính, cậu lại dễ dàng đạt điểm cao.
Bên cạnh việc học, Long tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại khoá. Vừa qua, cậu đã được bầu làm Thủ quỹ của Hội đồng sinh viên ISH. Tính đến nay, cậu cũng đã trải qua một cái Tết Nguyên đán xa nhà, cũng như chứng kiến hai mùa lễ hội ánh sáng Diwali - lễ hội quan trọng nhất của người Ấn Độ.
Những kỷ niệm đáng nhớ của Long sau hơn một năm du học.Ý thức được là sinh viên đại diện cho Việt Nam tại ISH, Long luôn cố gắng giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới các bạn bè cùng trường, cùng ký túc xá. Trong ngày hội sinh viên được tổ chức hồi tháng 5/2023, cậu tích cực chuẩn bị một gian trại riêng mang bản sắc đất nước quê hương.
Hoạt động này cũng nhận được sự giúp sức từ đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi và những người Việt tại đây. Long đã tìm mượn được một số vật phẩm để trưng bày như nón lá, tiền giấy, ảnh danh lam thắng cảnh, hay chiếc áo đấu của Hải Phòng FC (đội bóng đá đại diện cho nguyên quán của cậu).
Gian trại của Việt Nam trong ngày hội văn hoá ở ISH.“Nhiều bạn học của mình không biết nhiều về Việt Nam. Các bạn hoặc hiểu nhầm nước ta vẫn còn đang còn chiến tranh, hoặc vẫn trong tình trạng nghèo đói. Vậy nên mình mong muốn mang đến một hình ảnh Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với nhiều điều hiện đại”, cậu chia sẻ.
Long cũng hy vọng ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam biết đến du học Ấn Độ. Đặc biệt là các ngành thế mạnh của đất nước này như nông nghiệp, khoa học và công nghệ.
Long nhìn nhận, điểm mạnh của du học Ấn Độ là chi phí học tập ở đây rất rẻ, nền giáo dục có chất lượng cao, thủ tục nhập học và xin visa đơn giản, bằng cấp được nhiều nước trên thế giới công nhận.
Thêm vào đó, hoạt động giao thương giữa Ấn Độ với Việt Nam ngày càng thêm mạnh mẽ. Có rất nhiều công ty của Ấn Độ mở chi nhánh ở nước ta, cũng như ngày càng nhiều doanh nhân Việt Nam sang đầu tư tại Ấn Độ. Đó cũng là lợi thế cho du học sinh tại Ấn Độ.